Trong một tập san học thuật vào năm 1986 của trường đại học British Columbia, Canada, Ian Franks và Gary Miller đã kiểm tra các huấn luyện viên mới vào nghề về khả năng nhớ lại những khoảnh khắc quan trọng trong một hiệp đấu của một trận bóng đá quốc tế. Trung bình, chỉ có 42% đối tượng được test ghi nhớ chính xác chúng. Các nghiên cứu tiếp theo đã càng củng cố cho phát hiện này.
Do đó, hãy suy luận xem có biết bao nhiêu khoảnh khắc đã bị chúng ta lãng quên, hoặc tệ hơn là nhớ sai về chúng trong một giải đấu lớn, với việc đã có quá nhiều trận đấu diễn ra và quá nhiều cảm xúc được tạo nên từ chúng.
Trong bài phân tích dưới đây, chúng ta sẽ cùng mở ra “chiếc hộp thời gian” của Euro 2024 về khía cạnh chiến thuật, để tìm hiểu xem chính xác thì đã có những xu hướng nào tồn tại ở giải đấu này…
KHỞI ĐẦU PHÓNG KHOÁNG VÀ NHỮNG THẾ TRẬN KỲ LẠ
Ai cũng biết rằng các trận đấu tại những giải đấu lớn của bóng đá quốc tế thường có sự khởi đầu sặc mùi cẩn trọng, chậm chạp. Nhưng Euro 2024 thì hoàn toàn ngược lại. Trong Top 6 bàn thắng được ghi nhanh nhất trong lịch sử Euro, có tận 4 bàn đã diễn ra tại kỳ Euro này, thậm chí có 2 bàn đã chiếm lĩnh cả 2 vị trí số 1 và số 2: Pha ghi bàn của Nedim Bajrami (Albania) vào lưới Italy (23 giây sau tiếng còi khai cuộc) và pha ghi bàn của Merih Demiral (Thổ Nhĩ Kỳ) vào lưới đội tuyển Áo (57 giây).
4 bàn thắng đó đã được ghi theo những cách hoàn toàn khác nhau: Italy mắc lỗi trong một quả ném biên trước Albania, Thổ Nhĩ Kỳ ghi bàn từ một quả phạt góc, pha ghi bàn của Youri Tielemans trước Romania đến từ một đường chuyền sắc bén trong một đợt kiểm soát bóng ổn định, và bàn mở tỷ số của Georgia trước Bồ Đào Nha được tạo nên từ một tình huống phản công.
Đó là một trong những minh chứng cho thấy sự đa dạng chiến thuật tại Euro 2024. Có những đội bóng được xây dựng dựa trên các kế hoạch chiến thuật đa sắc thái (Áo, Đức), áp dụng các sách lược triển khai bóng và pressing tương tự như tại môi trường bóng đá cấp CLB, với sự dẫn dắt của những vị HLV trưởng cách đây không lâu còn đang hành nghề tại sân chơi CLB. Nhóm còn lại, với sự góp mặt của những đội bóng lớn hơn, thành công hơn trong thời gian gần đây, được dẫn dắt bởi các nhà cầm quân đã gắn bó với môi trường bóng đá quốc tế lâu hơn, thì chủ yếu được tổ chức và xây dựng xoay quanh các cá nhân siêu sao (Pháp, Anh, Bồ Đào Nha).
Thời gian trung bình để các bàn thắng mở tỷ số xuất hiện trong những trận đấu tại Euro 2024 là 30 phút, nhanh hơn 3 phút so với Euro 2020, còn con số được ghi nhận ở Euro 2016 là 41 phút. Thống kê này cho thấy chúng đang có xu hướng ngày càng xuất hiện sớm hơn ở các kỳ Euro. Tại kỳ Euro này, số lượng pha ghi bàn xuất hiện trong 30 phút đầu trận đã nhiều hơn mọi kỳ Euro khác, điều đó tạo nên những thế trận kỳ lạ vì lượng thời gian mà các đội bóng dành cho việc tranh đoạt chiến thắng hoặc rượt đuổi tỷ số sẽ tăng lên. Ngoại trừ một số trận đấu căng thẳng ở loạt trận thứ 3 của vòng bảng, chuyện này đã làm cho giải đấu trở nên cởi mở hơn.
SỰ BÙNG NỔ CỦA NHỮNG TIỀN ĐẠO CỔ ĐIỂN VÀ CÁC CHUYÊN GIA CỨU THUA
Những số 9 to cao, chuyên chú vào nhiệm vụ săn bàn và những thủ môn cứu thua như “siêu nhân” đã trở thành “mốt” ở Euro 2024.
Các trung phong nổi bật nhất giải là Wout Weghorst (Hà Lan) và Niclas Fullkrug (Đức), họ đã nhiều lần được đưa vào sân trong hiệp hai của một trận đấu để đảm nhận vai trò tiền đạo trung tâm thuần túy. “Vai trò của cậu ấy rất quan trọng vì cậu ấy mang tới những bàn thắng,” HLV trưởng Julian Nagelsmann của ĐTQG Đức nói về Fullkrug. “Không phải lúc nào những cái tên đá chính cũng đóng vai trò then chốt, mà những gương mặt trên băng ghế dự bị cũng có thể giành lấy ‘ánh đèn sân khấu’.”
Những quả tạt được thực hiện trong các tình huống mở (Open-play crosses) đã tăng lên 12,6% so với Euro 2020, trong khi số cơ hội ghi bàn được tạo nên từ những quả tạt trung bình mỗi trận (6,7) đã cao hơn 1 trong 2 kỳ World Cup gần nhất.
Nói chung, các nhà cầm quân ở môi trường bóng đá quốc tế không có xu hướng tôn sùng cực đoan một phong cách bóng đá giống như nhiều HLV ở môi trường CLB và sẵn sàng linh hoạt về mặt chiến thuật cũng như thay đổi lối tấn công thay vì luôn luôn cương quyết theo đuổi một phong cách độc nhất.
Bên cạnh sự “tái thịnh hành” của các số 9 truyền thống, chúng ta còn được chứng kiến những màn trình diễn “ảo diệu” của các thủ môn. Tính tổng cộng, thì các thủ môn góp mặt tại Euro 2024 đã cứu thua vượt kỳ vọng tận 35 lần khi xem xét mức độ nguy hiểm của những cú dứt điểm trúng đích mà họ đã phải đối mặt, con số này cao hơn gấp đôi so với thống kê được ghi nhận ở các thủ môn góp mặt tại Euro 2020 (14).
Tây Ban Nha (với Unai Simon), Slovenia (với Jan Oblak) và Italy (với Gianluigi Donnarumma) là 3 trong 4 ĐTQG mà các thủ môn của họ đã tạo nên những màn trình diễn xuất sắc nhất trong việc cứu thua tại Euro 2024, còn người được trao cho danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất giải đấu chính là Giorgi Mamardashvili của Georgia.
Anh là “người gác đền” để thủng lưới nhiều nhất tại kỳ Euro này (8 bàn thua) nhưng đồng thời cũng đã cản phá tới 30 trong số 38 cú sút trúng đích đã phải đối mặt, bao gồm 11 lần cứu thua trên 12 lần đối thủ dứt điểm trúng đích trong trận đấu với Cộng Hoà Séc ở vòng bảng – đây là con số cao nhất mà một thủ môn tạo ra được trong một trận đấu tại 5 kỳ Euro gần nhất.
NHỮNG MÀN LỘI NGƯỢC DÒNG VÀ CÁC BÀN THẮNG MUỘN
Một khuôn mẫu khác của các giải đấu bóng đá quốc tế là đội nào ghi bàn trước thường sẽ giành chiến thắng. Chuyện này đã diễn ra trong 71,4% số trận đấu của các kỳ Euro trước. Nó cũng đã chiếm ¾ số trận đấu ở World Cup 2022. Tuy nhiên, tại Euro 2024 thì hoàn toàn khác.
Tỷ lệ chiến thắng của đội ghi bàn đầu tiên trong các trận đấu tại giải đấu này là 55%, vì sự xuất hiện của 11 trận hoà và 9 màn lội ngược dòng. Một phần nguyên nhân là do những đội bóng được đánh giá là “cửa dưới” đã nhiều lần ghi bàn mở tỷ số trước các đội bóng “cửa trên” và sau đó chẳng đủ sức để bảo toàn được lợi thế này do sức mạnh áp đảo của đối thủ (ví dụ như trận thua 1-4 của Georgia trước Tây Ban Nha ở vòng 16 đội). Ngoài ra, đây là kỳ Euro thứ 2 mà các đội bóng được phép đăng ký 26 cầu thủ trong danh sách nhân sự và có 5 quyền thay người, tạo điều kiện cho việc thực hiện những thay đổi về chiến thuật và/hoặc nhân sự vào cuối trận, qua đó góp phần dẫn tới sự xuất hiện thường xuyên của các màn lội ngược dòng.
Hai đội bóng tiến được vào trận chung kết là Anh và Tây Ban Nha đã giành chiến thắng trong 2 trận bán kết của họ trong thời gian thi đấu chính thức mặc dù bị thủng lưới trước, cả hai bàn thua đó đều diễn ra trong 10 phút đầu trận. Hai ĐTQG này đều đã có 2 lần lội ngược dòng tại Euro 2024, Hà Lan cũng tương tự. Nhà vô địch của Euro 2020 là Italy đã để đối thủ ghi bàn mở tỷ số trong cả 4 trận đấu của họ ở kỳ Euro này nhưng vẫn vượt qua được vòng bảng với vị trí thứ hai tại bảng đấu của mình. Đội tuyển Anh đã trở thành đội bóng đầu tiên giành được vé vào chơi một trận chung kết Euro sau khi bị thủng lưới trước trong cả 2 trận tứ kết và bán kết.
“Các đội bóng ‘cửa dưới’, hay nói cách khác là các ĐTQG yếu thế, đã đạt được những sự tiến bộ đáng nể,” HLV trưởng Francesco Calzona của đội tuyển Slovakia nhận định. “Chúng tôi có thể gây ra nhiều vấn đề cho các ‘ông lớn’ tại sân chơi này, nhưng đáng tiếc là giữa hai bên vẫn còn một khoảng cách sức mạnh quá lớn.”
Điều đó đã được chứng minh rõ rệt qua chiến thắng của Tam Sư trước Slovakia ở vòng 16 đội. Sau trận đấu này, Gareth Southgate đã thừa nhận rằng đội tuyển Anh đã “gặp phải một vấn đề không thể giải quyết” khi họ cố gắng xuyên phá hệ thống phòng ngự tầm trung của Slovakia và chỉ có thể giành chiến thắng nhờ 2 bàn thắng đến từ những tình huống cố định.
CÁC PHA PHẢN CÔNG
Tiếp nối World Cup 2022 và 2 mùa giải Premier League gần nhất, các khối phòng ngự tầm trung và những pha phản công đã một lần nữa trở thành xu hướng thịnh hành tại một giải đấu lớn.
Tỷ lệ những pha đoạt bóng của các đội ở khu vực 1/3 cuối sân đối thủ đã giảm 9% so với Euro 2020, trong khi “các đợt tấn công trực diện” đã tăng 11%. Theo định nghĩa của Opta thì “các đợt tấn công trực diện” (direct attacks) là những đợt tấn công bắt đầu từ phần sân nhà của đội bóng đó, với ít nhất 50% hành động diễn ra trong quá trình triển khai là hướng lên phía khung thành đối thủ, kết thúc bằng một cú dứt điểm hoặc một pha chạm bóng trong vòng cấm đối thủ. Chuyện này có lẽ có ít nhiều liên quan đến sự gia tăng của những quả tạt đã đề cập trong phần 2 của bài phân tích, bởi vì khi những phương án tấn công mạo hiểm xuất hiện càng nhiều thì hiển nhiên là các tình huống mất bóng, tạo cơ hội cho đối thủ phản công, cũng sẽ tăng lên.
Vậy, những đội bóng nào có thể được xem là các “cao thủ phản công hàng đầu” tại kỳ Euro này?
Trong 21 trận đã chơi tại 5 giải đấu từ World Cup 2014 đến World Cup 2022, Tây Ban Nha chỉ thực hiện 28 pha tấn công trực diện – tính trung bình là 1,3 lần mỗi trận. Còn tại kỳ Euro 2024 này, họ đã thực hiện chúng tận 27 lần chỉ trong 7 trận, trong khi kết hợp, pha trộn những đợt pressing tầm cao đặc trưng với một khối phòng ngự 4-4-2 tầm trung co cụm. Khi họ đoạt được bóng, nó sẽ sớm được đưa lên cho trung phong Alvaro Morata, các tiền vệ sẽ dâng cao vượt bóng và các tiền đạo cánh sẽ là những chân “kéo bóng” chính. HLV trưởng Luis de la Fuente đã thành công trong việc làm đội bóng này trở nên “trực diện” hơn.
Trên thực tế, bàn thắng đầu tiên của Tây Ban Nha tại giải đấu này đã được tạo nên bởi một đợt phản công nhanh mượt mà trước Croatia – bao gồm 3 đường chuyền trong 9 giây sau khi đoạt lại được bóng bên phần sân nhà.
Fabian Ruiz chính là người “sắm vai” kiến trúc sư trong bàn thắng này, với một cú chọc khe cho Alvaro Morata, và anh cũng đã có một pha kiến tạo tương tự trong bàn thắng thứ 3 của Tây Ban Nha trước Georgia. Lần đó, anh đã tung ra một cú phất dài tuyệt đẹp từ một vị trí gần vòng cấm La Roja đưa bóng lên cho Nico Williams đang bứt tốc về phía khung thành đối thủ. Ngôi sao chạy cánh này đã thực hiện một cú dứt điểm uy lực đánh bại hoàn toàn Mamardashvili sau một tình huống rê bóng thành công.
Tại kỳ Euro 2024 này, Hà Lan (20 lần) cũng đã có số pha tấn công trực diện cao nhất trong số những giải đấu lớn mà họ tham dự kể từ World Cup 2014, nhiều hơn gấp 3 lần so với tại World Cup 2022 (6 pha sau 5 trận đã chơi). Bàn thắng của Xavi Simons ở trận bán kết với đội tuyển Anh là một ví dụ – anh rê bóng về phía trước sau khi Hà Lan thu hồi bóng thành công ở khu trung tuyến và tung ra một cú sút xa uy lực từ ngoài vòng cấm.
Pha lập công ấn định chiến thắng 3-0 trước Romania của Donyell Malen hay pha dứt điểm thành bàn của Cody Gakpo trước đội tuyển Áo cũng tương tự. Trong cả 2 lần đó, Hà Lan đều đã tổ chức tấn công nhanh ngay sau khi đoạt được bóng bên phần sân của mình rồi đưa bóng tới cho một tiền đạo hiện diện ở cánh trái, sau đó anh ta rê bóng vào vòng cấm và ghi bàn.
Simons, cùng với trung phong Memphis Depay, Cody Gakpo và Malen, đều là những tiền đạo đa năng, họ tỏa sáng mạnh mẽ nhất khi có khoảng trống, cơ hội để phối hợp xuyên phá, và một hàng thủ hỗn loạn để họ rê bóng đâm vào. Đoàn quân của Ronald Koeman đã được ghi nhận tỷ lệ kiểm soát bóng 37% trong trận đấu với Pháp ở vòng bảng và 42% trước đội tuyển Anh. Thay vì cố chấp theo đuổi phong cách “bóng đá tổng lực” truyền thống, họ đã thi triển một lối chơi phù hợp với thế mạnh của dàn nhân sự trong đội.
Trong giai đoạn vòng bảng, Ronald Koeman từng phát biểu rằng “bóng đá đẹp không phải lúc nào cũng hiệu quả”, nhằm ám chỉ lối đá đặt nặng tính “thẩm mỹ”, chú trọng các pha phối hợp bóng ngắn của Hà Lan trong những năm qua. Phòng ngự phản công từng là chiến thuật được các đối thủ của ĐTQG này ưa chuộng khi đấu với họ. Nhưng giờ đây, thời thế đã thay đổi – cuộc chơi đã thay đổi.
BẠN CÓ THỂ GIÀNH CHIẾN THẮNG TRONG KHI TRỌNG DỤNG NHỮNG CẬU BÉ
Bất chấp những gì Alan Hansen từng nói trong chương trình Match of the day vào năm 1995, người Anh và Tây Ban Nha đã chứng minh rằng các đội bóng hoàn toàn có thể đạt được thành công trong khi – và bởi vì – trọng dụng những cầu thủ trẻ.
“Chúng tôi không bao giờ chần chừ trong việc đưa một cầu thủ trẻ thực sự tài năng lên ĐTQG,” Southgate khẳng định trước thềm Euro 2024. Ông và De La Fuente có một nền tảng sự nghiệp tương đồng nhau, họ đều đã dẫn dắt các lứa đội tuyển trẻ của đất nước mình trước khi được thăng chức lên làm HLV trưởng của ĐTQG. Đối với họ, đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ là một việc hết sức tự nhiên, không hề có chút miễn cưỡng, ép buộc nào cả.
Trung tuyến mà Southgate sử dụng ở các trận đấu loại trực tiếp rất trẻ trung: Người lớn tuổi nhất là Declan Rice cũng mới chỉ 25 tuổi, sát cánh cùng anh tạo thành một cặp tiền vệ trụ là ngôi sao trẻ 19 tuổi Kobbie Mainoo, phía trên là các tiền vệ số 10 Phil Foden (24 tuổi) và Jude Bellingham (21 tuổi). Trong khi đó, tài năng trẻ thu hút nhiều sự chú ý nhất chính là Lamine Yamal, với tư cách cầu thủ trẻ nhất từng tham dự Euro (phải tới trước trận chung kết 1 ngày anh mới bước sang tuổi 17), và người đồng đội ở phía cánh đối diện của anh là Williams cũng chỉ mới 22 tuổi.
Julian Nagelsmann cũng tương tự. Vị chiến lược gia khởi đầu nghiệp cầm quân tại học viện Hoffenheim này đã xây dựng hệ thống 4-2-3-1 của đội tuyển Đức xoay quanh 2 tiền vệ số 10 Jamal Musiala và Florian Wirtz (cả hai đều mới chỉ 21 tuổi). Verbruggen của đội tuyển Hà Lan đã trở thành thủ môn trẻ nhất từng ra sân tại 1 kỳ Euro trong 60 năm qua. Rasmus Hojlund của Đan Mạch và Benjamin Sesko của Slovenia đều đã được giao cho trọng trách trung phong số một tại ĐTQG của mình ở độ tuổi U22.
Thay vì là những trường hợp ngoại lệ, thì các ví dụ trên chính là minh chứng cho một trào lưu đã thịnh hành tại Euro 2024. Các cầu thủ ở độ tuổi U21 đã chơi tổng cộng 7.794 phút tại kỳ Euro này và góp dấu giày vào 25 pha ghi bàn (12 bàn thắng, 13 pha kiến tạo). Con số đó cao hơn tận 2.000 phút so với hồi Euro 2020 (5.756 phút), giải đấu mà lứa cầu thủ U22 chỉ ghi 8 bàn và thực hiện 2 pha kiến tạo. Tỷ lệ số bàn thắng có “dấu giày” của các cầu thủ U21 đã tăng từ con số 7,6% cách đây 4 năm lên tận 23%.
Thật thú vị khi mà pha ghi bàn đầu tiên trong trận chung kết chính là Yamal kiến tạo cho Williams đưa bóng vào lưới, còn bàn gỡ hòa của Cole Palmer cho đội tuyển Anh thì là do Bellingham kiến tạo – chúng đều là các tình huống phối hợp của những cẩu thủ từ 22 tuổi trở xuống.
Theo The New York Times.