Hồi chuông báo động cho bóng đá Việt Nam

Đã rất lâu rồi, người hâm mộ mới phải chứng kiến tình cảnh bóng đá Việt Nam rơi vào vòng xoáy khủng hoảng với những thành tích thi đấu đáng thất vọng ở mọi cấp độ. 

Thất bại nối tiếp thất bại

Có thể nói bóng đá Việt Nam đang trải qua một năm 2024 với nhiều kết quả thi đấu đầy thất vọng. Từ việc đội tuyển quốc gia sớm bị loại khỏi sân chơi Asian Cup 2023 với thành tích toàn thua ở vòng bảng cho tới trận thảm bại 0-3 trước Indonesia ngay trên sân nhà tại vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á, các lứa trẻ của bóng đá Việt Nam cũng đang không có được những kết quả như mong muốn khi ra sân chơi quốc tế.

Ở giải U16 Đông Nam Á diễn ra cách đây không lâu, đội tuyển U16 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Minh Chiến đã liên tiếp gây thất vọng khi để đối thủ yếu Campuchia cầm hòa tại vòng bảng, trước khi để thua ngược trước Thái Lan trong trận bán kết. Và trận thua 0-5 bẽ bàng trước lứa trẻ U16 Indonesia trong trận tranh hạng 3 đã khép lại một hành trình thi đấu đáng quên của các cầu thủ U16 Việt Nam ở đấu trường khu vực.

Hồi chuông báo động cho bóng đá Việt Nam 1

Tuy nhiên chuyện buồn của bóng đá Việt Nam vẫn chưa dừng lại khi mà đội U19 cũng đang trình diễn một bộ mặt thi đấu đáng thất vọng ở sân chơi Đông Nam Á. Chiều ngày 21/07, U19 Việt Nam đã phải nhận thất bại nặng nề 2-6 trước các cầu thủ trẻ của Australia tại lượt trận thứ 2 bảng B.

Trước đó, thầy trò HLV Hứa Hiền Vinh cũng chỉ có được trận hòa 1-1 đầy thất vọng trước đối thủ ‘chiếu dưới’ Myanmar. Với 1 điểm giành được (đứng thứ 3 bảng B), Lê Đình Long Vũ cùng các đồng đội nhiều khả năng sẽ bị loại ngay từ vòng bảng dù có đạt được vị trí nhì bảng. Bởi theo quy định, chỉ 3 đội nhất bảng cùng 1 đội xếp nhì bảng có thành tích tốt nhất mới lọt vào bán kết. 

Và một khi điều này xảy ra thì đó thực sự là một tín hiệu đáng lo ngại với bóng đá Việt Nam, khi mà bây giờ đây chúng ta đang bộc lộ những sự yếu kém ngay cả trước các đối thủ cùng khu vực. 

HLV Hứa Hiền Vinh: U19 Australia quá mạnh

Trái ngược với những gì đã diễn ra trong quá khứ khi Việt Nam luôn được xem là ngọn cờ đầu của bóng đá Đông Nam Á, có thể nói giờ đây chúng ta chỉ còn là cái bóng của chính mình. 

Không những không có sự tiến bộ so với quá khứ, thậm chí chúng ta đang có sự thụt lùi so với trước đây. Từ cấp độ đội tuyển quốc gia cho tới đội trẻ, bóng đá Việt đều đang có những kết quả thi đấu khá tệ hại khi bước ra sân chơi quốc tế. 

Việc để mất điểm trước các đối thủ yếu hay phải hứng chịu những trận thua thua đậm trước các đối thủ ngang hàng đã cho thấy được một khoảng cách trình độ đang tồn tại giữa bóng đá Việt Nam với bóng đá Đông Nam Á nói chung. Và nếu chúng ta không có những sự điều chỉnh, e là chuỗi ngày buồn của bóng đá Việt sẽ còn tiếp tục kéo dài.

 

Tín hiệu đáng lo ngại của bóng đá trẻ

So với giai đoạn trước đây, công tác đào tạo trẻ đang thật sự có vấn đề khi chúng ta không tìm ra được nhiều những gương mặt chất lượng để thay thế các đàn anh. Một khi không có giải pháp để cải thiện, điều này chắc chắn sẽ để lại lỗ hổng lớn về thế hệ kế thừa trong tương lai.

Chẳng nói đâu xa, nếu như 10 năm trước lứa Công Phượng từng hai lần đánh bại người Úc ở cấp độ U19 một cách đầy thuyết phục thì tiếc là sau đó chúng ta đã không còn có thể làm được những điều tương tự. 

Thậm chí sau 4 thất bại liên tiếp trước đội bóng xứ Chuột túi ở các sân chơi U19 Đông Nam Á và châu Á với những trận thua rất đậm với các tỷ số 2-5, 1-4 hay 2-6, bóng đá Việt Nam rõ ràng đang cho thấy sự lép vế hoàn toàn trước các cầu thủ đồng trang lứa của Úc. 

Hồi chuông báo động cho bóng đá Việt Nam 2

Tất nhiên chúng ta không thể so sánh trình độ giữa các lứa cầu thủ ở những thời điểm khác nhau, nhưng khi nhìn vào kết quả thi đấu rõ ràng lứa trẻ Việt Nam hiện tại đã không còn xuất chúng như thế hệ của những Công Phượng, Quang Hải trước đây.

Sự thụt lùi của bóng đá trẻ đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác ươm mầm, phát triển cầu thủ trẻ ở các địa phương, các lò đào tạo bóng đá. Để hiện thực hóa tham vọng vươn tầm khu vực, rõ ràng chúng ta sẽ cần phải làm tốt vấn đề căn bản nhất, đó là phát triển mạnh ở bóng đá trẻ. 

Đã đến lúc, những người làm bóng đá tại dải đất hình chữ S cần nhìn lại, đưa ra những chính sách mới, cải cách toàn diện nếu không muốn tiếp tục chứng kiến bóng đá Việt Nam đi giật lùi. Nếu không chăm sóc tốt cho những thế hệ cầu thủ trẻ, bóng đá Việt khó có thể gặt hái được những kết quả tốt trong tương lai sau này.

“Rất cần những chuyến tập huấn nâng cao ở những nền bóng đá đẳng cấp thế giới hiện nay, hay chí ít cũng được ăn tập ở Nhật Bản, Hàn Quốc một thời gian. Ngoài các giải đấu khu vực ra, tôi mong lứa cầu thủ trẻ U17, U19 hiện nay được ăn tập, thi đấu, cọ xát cùng những đội tuyển cùng trang lứa ở các nền bóng đá phát triển, đẳng cấp quốc tế. Có như thế, họ mới nhanh chóng trưởng thành được.

Thực trạng hiện nay buộc chúng ta phải thay đổi tầm nhìn, chiến lược. Điều cốt lõi nhất vẫn nằm ở chỗ công tác đào tạo trẻ phải được quan tâm, đầu tư một cách thường xuyên, liên tục, có trọng điểm.

Chúng ta luôn nói về khát vọng được dự World Cup. Vậy nếu đề ra mục tiêu góp mặt tại World Cup 2030 thì đâu là những nhân tố chủ lực để thực thi, sẽ dựa vào lứa cầu thủ nào để đầu tư trọng điểm. Những câu hỏi đặt ra như thế đủ khiến chúng ta trăn trở, nghĩ suy” – chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ với báo Thể thao & Văn hóa.

ĐT Việt Nam sắp đá giao hữu với đội bóng khủng nằm trong tốp 50 thế giới?Đội tuyển Việt Nam thăng hạng FIFA dù không thi đấu